Vì sức khỏe cộng đồng

Vì sức khỏe cộng đồng

Mỗi năm, có hàng ngàn tấn thuốc nam ở các địa phương trong tỉnh được đưa đến tay những người bệnh, tất cả đều miễn phí. Đó là tấm lòng của những con người lặng lẽ bỏ công sức và len lỏi khắp nơi đi tìm và bào chế dược liệu để điều trị bệnh cho cộng đồng.

Vì sức khỏe cộng đồng  không quản đường xa, mưa nắng

Cứ cách 2 – 3 tháng, Hội sưu tầm dược (STDL) xã Long Kiến (Chợ Mới) lại tổ chức đi sưu tầm thuốc ở những nơi xa. Trước đây, thuốc còn nhiều, quanh quẩn vài địa phương như vùng Bảy Núi đã có đủ thuốc sử dụng trong một thời gian. “Những năm gần đây, thuốc mọc tự nhiên ít, một số loại chỉ còn có ở miền Đông Nam Bộ, Phú Quốc… Vì những nhà thuốc cần xài nên mình đi tìm để chia cho anh em”- ông Nguyễn Thành Lâm, thành viên Hội STDL xã Long Kiến, giải thích.

Lương y Đoàn Minh Ân (thường gọi hai An), Hội Đông y phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên), đã gắn với nghề dược gần 30 năm. Từ nhỏ đã đi theo các chú, bác sưu tầm thuốc, vì đam mê mà chú hai An quyết tâm theo học dược. Thời điểm trước đây, thuốc còn nhiều, mọi người tranh thủ đi trong ngày, còn những chuyến đi ngoài tỉnh có khi kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Thấy nơi này hết thuốc phải tính và tìm hiểu đến nơi có nhiều thuốc hơn. “Mỗi chuyến như vậy phải huy động vài chục người cùng đi để tranh thủ lấy được nhiều về phân phát cho các nhà thuốc. Lúc đó, đi lấy nhiều nhất là bồ bồ, rau bợ, nhãn lồng, dứa gai, mướp gai… Nơi nào thiếu và cần loại gì khi về là ghé cho luôn, ai cũng làm từ thiện mà, hổng có hà tiện được”- chú hai An cười.

Có khi sang tận vùng núi ở Campuchia để tìm thuốc nhưng các thành viên trong Tổ thuốc nam xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) chưa bao giờ ngại khó, ngại khổ. Theo thống kê, mỗi năm, tổ cung cấp trên 80 tấn thuốc nam cho các nhà thuốc trong và ngoài tỉnh. “Thuốc nam ngày càng khan hiếm, phải đi nhiều nơi xa, cực lắm. Dù làm từ thiện, không có lương, nhưng ai cũng muốn đóng góp chút ít công sức để giúp đỡ bà con bị bệnh, vậy là vui rồi” – chú Phạm Văn Mạnh, thành viên trong tổ, chia sẻ.

Nguồn thuốc tự nhiên khan hiếm, người dân đã lập vườn thuốc nam với mong muốn nhiều người được trị khỏi bệnh – vì sức khỏe cộng đồng

Mượn đất trồng thuốc nam

Thuốc tự nhiên tìm nhiều rồi cũng cạn. Những mảnh đất hoang trước đây thuốc mọc nhiều giờ đã thay nhà, cơ quan, xí nghiệp… Vậy mà, mọi người đâu có thấy khó để lùi bước, không còn thuốc để sưu tầm thì lập vườn trồng. Từ vườn thuốc nhỏ vài công đất cho tới hàng chục công được trồng những loại thuốc mà trong quá trình bào chế còn thiếu và trong tự nhiên không còn. Nghe trồng dược liệu tưởng dễ, nhưng so với nhiều loại cây khác thì nó “khó chiều” hơn rất nhiều, không kiên trì khó lòng làm được. “Cách 3-4 ngày phải nhổ cỏ, chứ đâu có được xịt thuốc. Mà mỗi loại phải biết ý thì trồng mới sống vì nó đã quen với môi trường tự nhiên, giờ có bàn tay của con người chăm sóc là chúng lại giở chứng làm khó mình. Bởi vậy, trồng rồi để ý, biết “tánh ý” từng loại mới mong vườn thuốc có đầy đủ chủng loại, việc bào chế thuốc cũng dễ hơn” – chú hai An giải thích.

Nhu cầu dùng dược liệu thiên nhiên để chữa bệnh ngày càng được nhiều người lựa chọn nên cần diện tích đất lớn. Thấy vậy, bà con xung quanh cùng tiếp sức, cho mượn đất để trồng thuốc. Người cho mượn vài ba năm, người cho mượn vài chục năm, hễ còn trồng thuốc là cho mượn. Hiện nay, vườn thuốc nam của Hội Đông y phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) có khoảng 15.000m2, trong đó có diện tích được trồng tại khuôn viên Hoa viên nghĩa trang (phường Mỹ Hòa), còn lại của cô út Liễu, chú hai Phương… Thấy việc làm có ích nên ai cũng muốn giúp.

Nguồn: Báo An Giang

Tìm kiếm

Chuyên mục

Từ điển ảnh về cây thuốc
12
Hoạt động khác
30
Dự án
16
Chia sẻ về làm vườn
29

Bài viết mới nhất

HOI-NGO-VUON-RUNG-HRF
ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH "HỘI NGỘ VƯỜN RỪNG - CHÂN ĐẤT TRỒNG CÂY" (tháng 06. 2023)
con-vat
Đăng ký tình nguyện viên dự án Tre Mỡ
xay-dung-cong-dong-va-phan-phoi-san-pham-nong-nghiep-sach
Chia sẻ kinh nghiệm "xây dựng cộng đồng và phân phối sản phẩm nông nghiệp sạch"
3.2
Vườn Thuốc Nam tìm bạn đồng hành