Thành và Hủy, hai yếu tố của sự phát triển
THÀNH VÀ HỦY, HAI YẾU TỐ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
—- Một chút tản mạn —-
Ernst Goetsch đã có một kết luận như sau trong “Thành công tự nhiên cả các loài trong nông lâm kết hợp và cải tạo đất”.
Chia sẻ này làm tôi suy nghĩ rất nhiều
“Khi quan sát sự phát triển của thực vật trong các hệ thống nông lâm kết hợp và rừng tự nhiên của tôi, tôi đã hiểu rằng sự kế thừa tự nhiên là một lực lượng nội tại đối với sự sống; Bản chất của cuộc sống là phát triển, chiếm một khoảng không gian tối đa và cuối cùng là tự lan truyền, biến mình từ dạng này sang dạng khác. Sự kế thừa của các loài là phương tiện mà sự sống di chuyển qua thời gian và không gian khi một dạng sống sinh ra một dạng khác.”
Điều này có phải nói Biến Đổi là quy luật vận hành của vạn vật, “sự kết thừa tự nhiên là một lực lượng nội tại đối với sự sống: Bản chất của cuộc sống là phát triển, chiếm một khoảng không gian tối đa và cuối cùng là tự lan truyền, biến mình từ dạng này sang dạng khác”. Một loài này, rồi sau đó sẽ thay thế một loài khác, không có một loài nào tồn tại mà không hủy.
Tôi thấy có một số nhà vườn trồng rất nhiều cây trong vườn cây nào có thì cứ đem vào vườn trồng mà chưa từng nghĩ “cái cây mình trồng sẽ sống như thế nào” yêu cây đến mức đứng ngoài nhìn để mọi việc quá tự nhiên. Họ chỉ có trồng cây tức là “sự thành” thôi chứ không cắt tỉa, phát cỏ hay có thể nói theo cách khác tạo ra “sự hủy”, nhưng có vẻ quá tự nhiên lại làm khu vườn phát triển rất chậm, bị trì trệ. Khi đó chỉ có những sự biến động ngoài con người tạo ra sự hủy mới có thể thúc đẩy sự sống của khu vườn phát triển như: sâu bệnh, thời tiết, thời gian, bão…
Các bạn trong nhóm tôi cũng bị vướng phải vấn đề này, chỉ tạo ra sự thành, nhưng có vẻ các bạn không hiểu một điều rất quan trọng là “Có thành mà không có hủy thì sự vật trên đời sẽ bế tắt “
Người ta thường nói: “Ông trời có đức hiếu sinh” vẫn chưa đủ, đầy đủ và nói đúng hơn như cụ Thu Giang đã nói ”Ông trời có đức hiếu sinh, lẫn hiếu sát” Có thành mà không có hủy sự vật trên đời sẽ bế tắt. Sinh và diệt là con đường của tạo hóa.
Vậy nên vận dụng hai yếu tố thành và hủy như thế nào để thúc đẩy sự sống phát triển?
Theo tôi quan sát lại nhận thấy được các điều này
1. Tạo ra hai yếu tố thành và hủy song song cùng tồn tại và đang xen nhau. Để sự thành tạo ra sự hủy và sự hủy để tạo ra sự thành
a. Trồng cây, tạo sinh khối ban đầu (sự thành) để hình thành chất hữu cơ. Cắt tỉa thường xuyên tạo ra sự phân hủy (sự hủy) hữu cơ trả về đất.
b. Duy trì ổn định của sinh khối sống tức cây sống che phủ(sự thành) và sinh khối chết tức xác thực vật che phủ(sự hủy).
c. Trồng cây có thời gian sinh trưởng lâu(sự thành lâu) xen với các loại cây có thời gian sinh trưởng nhanh( sự hủy nhanh). Cây lâu năm xen canh với cây ngắn ngày
d. Đa dạng cây trồng lâu năm và đa dạng các loại cây ngắn ngày. Vì mỗi loài sẽ tạo ra một chu trình thành hủy khác nhau, thúc đấy căn bằng diễn ra nhanh hơn và bền vững hơn.
e. Duy trì sự tồn tại của các yếu tố đối lập không nghiêng lệch về một bên nào.
- Giữ trồng cây xua đuổi và cây thu hút côn trùng ở mức độ căn bằng
- Giữ thiên địch và sâu hại ở mức cân bằng
- Giữ cây trồng và cây chết đi ở mức cân bằng
- Giữ độ ẩm và độ khô ở mức cân bằng
2. Chú ý
- Việc phá hủy tích cực mới tạo ra sự cân bằng năng lượng, và thúc đẩy hệ thống phát triển
- Mọi sự quá độ điều dẫn đến tai hại
Mong nhận được sự góp ý từ các anh chị và các bạn
Trân trọng!
Võ Quốc Lập